QUYỀN PHẢN TỐ TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

Hôm nay có rất nhiều khách hàng hỏi LS Phí Thị Xoan về “quyền phản tố” của bị đơn trong vụ án dân sự, cá nhân tôi xin chia sẻ kiến thức pháp luật về quyền phản tố trong vụ án dân sự như sau:
Quyền yêu cầu phản tố là một quyền của bị đơn (người bị kiện) trong vụ án dân sự, theo đó bị đơn có quyền kiện ngược lại nguyên đơn (người kiện) nếu như yêu cầu phản tố của bị đơn đáp ứng các điều kiện của quy định pháp luật.
Thực chất việc phản tố của bị đơn là việc bị đơn đi khởi kiện ngược lại người đã khởi kiện mình, nhưng được xem xét giải quyết cùng với đơn khởi kiện của nguyên đơn trong vụ án vì việc giải quyết yêu cầu của hai bên có liên quan tới nhau.
Yêu cầu phản tố của bị đơn được chấp nhận khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, về thời điểm: BLTTDS năm 2015, yêu cầu phản tố của bị đơn chỉ được chấp nhận “trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải” (Khoản 3 Điều 200). Quy định này giúp cho việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn của Tòa án được chủ động và hợp lý hơn, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án.
Thứ hai, về mặt nội dung:
Yêu cầu phản tố chỉ được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 200, Bộ luật TTDS 2015:
“a) Yêu cầu phản tố .để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
Ví dụ: “Anh Nam có đơn khởi kiện yêu cầu chị Tú phải trả lại tiền thuê nhà còn nợ của năm 2019 là một 100.000.000 đồng. Chị Tú (Bị đơn) có yêu cầu đòi nguyên đơn Anh Nam phải thanh toán cho mình tiền sửa chữa nhà bị hư hỏng và tiền thuế sử dụng đất mà bị đơn đã nộp thay cho nguyên đơn là 70.000.000 đồng. Trường hợp này, yêu cầu của bị đơn Chị Tú được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn anh Nam”. Như vậy nghĩa vụ bù trừ ở đây là nghĩa vụ trả tiền cụ thể số tiền Chị Tú nợ tiền thuê nhà của anh Nam có thể được bù trừ với số tiền chị Tú đã bỏ ra sửa chữa căn nhà.
b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
Ví dụ: Ông Hữu có chiếc xe ô tô thuộc sở hữu riêng đã bán cho chị Nga, nhưng nói với con (anh Hoàng là con của ông Hữu) là cho chị Nga thuê mỗi tháng 12.000.000 đồng. Sau đó ông Hữu chết, anh Hoàng khởi kiện yêu cầu chị Nga phải thanh toán tiền thuê xe trong một năm qua là 144.000.000 đồng. Chị Nga có yêu cầu phản tố yêu cầu Toà án công nhận quyền sở hữu xe ô tô và có tranh chấp. Nếu Toà án chấp nhận yêu cầu phản tố của chị Nga, thì dẫn đến không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của anh Hoàng đòi chị Nga thanh toán tiền thuê xe ô tô.” Trường hợp này yêu cầu phản tố của chị Nga đã loại trừ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn anh Hoàng.
c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn”.
Ví dụ: “Chị Mến khởi kiện yêu cầu anh Long phải trợ cấp nuôi con cho cháu Phương một tháng là 5.000.000 đồng. Anh Long có yêu cầu phản tố yêu cầu Toà án xác định Phương không phải là con của anh”. Trường hợp này, yêu cầu của anh Long không bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của chị Mến cũng không làm triệt tiêu yêu cầu của chị Mến. Yêu cầu của chị Mến vẫn chính đáng nếu như Phương là con anh Long, tuy nhiên việc giải quyết yêu cầu này sẽ dẫn tới kết luận cuối cùng về việc giải quyết yêu cầu của chị Mến.

Trên thực tế, các yêu cầu của nguyên đơn có thể phức tạp hơn, và việc đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn cũng có thể trên nhiều phương diện, có thể thuộc đồng thời 3 trường hợp trên hoặc chỉ thuộc một trường hợp,… và việc chấp nhận yêu cầu phản tố một phần dựa trên quan điểm của thẩm phán giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về điều khoản này, nên có thể dựa theo tinh thần Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP.

Tags: , ,